Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2021 - 2025
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số đã và đang được triển khai ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Ngành nông nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng được xem là một trong những ngành tiên phong trong việc ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm…Đặc biệt, KH&CN đã hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển, chuyển từ việc chú trọng số lượng sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thời gian qua, công tác ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KH&CN trong sản xuất giống thủy sản, nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cá lồng, khai thác, bảo quản, chế biến,... được đẩy mạnh. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực này còn hạn chế, chưa sâu rộng, thiếu đồng bộ, hàm lượng KH&CN chưa cao.
Việc triển khai Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất thủy sản, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch và phát triển bền vững ngành thủy sản, cụ thể: xác định được nhu cầu đổi mới công nghệ và sáng tạo trong sản xuất thủy sản để xây dựng các chương trình KH&CN phục vụ thực tế sản xuất; hàng năm, công nhận được tối thiểu 04 tiến bộ kỹ thuật; chuyển giao được tối thiếu 04 tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thủy sản; tối thiểu 200 cơ sở sản xuất thủy sản được phổ biến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hiệu quả kinh tế tăng >25% so với mô hình sản xuất truyền thống; hàng năm, tổ chức từ 3 - 4 diễn đàn để phổ biến, giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới, các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm thủy sản, nuôi trồng thủy sản cho ít nhất 400 cơ sở ứng dụng, chuyển giao KH&CN; tổ chức được ít nhất 02 Hội chợ thiết bị và công nghệ thủy sản (02 năm/lần) để giới thiệu, trưng bày, triển lãm các thiết bị, công nghệ, sản phẩm tiên tiến có thể thương mại hóa và ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất thủy sản ở Việt Nam; xây dựng được hệ thống thông tin KH&CN thủy sản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu quản lý, cập nhật, trao đổi thông tin trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thủy sản; phát triển thị trường KH&CN thủy sản trực tuyến. Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số nội dung chính như: Gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học, thực tế sản xuất; đánh giá, công nhận tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản; xây dựng hệ thống thông tin, phát triển thị trường KH&CN. Các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao KH&CN thủy sản; rà soát, đánh giá, công nhận tiến bộ kỹ thuật để phổ biến, ứng dụng, chuyển giao vào thực tế sản xuất thủy sản; xây dựng hệ thống thông tin KH&CN phục vụ gắn kết nghiên cứu và chuyển giao và phát triển thị trường KH&CN.
Trên cơ sở Kế hoạch này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng, chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực thủy sản phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất nhằm giảm chí phí, hạ giá thành sản xuất; nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị sản phẩm thủy sản; góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, phục vụ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương trong thời gian tới.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao
(Đính kèm QD 1095_BNN_TCTS.pdf ngày 15/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Tác giả: Lâm Văn Tùng